[Tin tức] Ruộng bậc thang Mù Cang Chải chính thức được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt

Ngày 31/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao bằng công nhận Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là Di tích Danh lam thắng cảnh Quốc Gia Đặc Biệt. Đây là một tin đáng mừng cho huyện Mù Cang Chải nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung sau suốt những năm chờ đợi.

 

Mù Cang Chải là huyện vùng cao nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái. Huyện nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao trung bình 800m so với mặt nước biển. Xuất phát từ Hà Nội theo Quốc lộ 32, qua Nghĩa Lộ, qua hết đèo Khau Phạ là bắt đầu đặt chân vào Huyện Mù Cang Chải. Dọc tuyến đường này có đến 80 km là đường đèo quanh co và rất nhiều ruộng bậc thang ven đường, rất đẹp.

Toàn huyện Mù Căng Chải có khoảng 5.000ha ruộng bậc thang, trong đó riêng ba xã Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha có 500ha đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là thắng cảnh quốc gia.

Cũng do đặc thù của khí hậu, nên một năm, người dân ở đây chỉ trồng và thu hoạch duy nhất một vụ lúa, tháng 5-6 là cày ải, gieo mạ, cấy lúa, tháng 9 -10 là thu hoạch. Khi vào vụ cấy lúa, khác với người dân ở dưới xuôi thường đào các kênh thủy lợi để dẫn nước vào đồng hoặc dùng phương pháp thủ công là tát gầu sòng.

Đồng bào Mông khai khẩn ruộng bậc thang từ đời này qua đời khác, từ ngày này qua ngày khác, tạo nên những thửa rộng kỳ vỹ, tầng tầng lớp lớp như lên tới tận trời xanh.

Người dân ở vùng cao hoàn toàn trông chờ vào thiên nhiên, họ chờ ông trời làm mưa xuống để dẫn nước cho ruộng, nước mưa theo đó chảy từ bậc ruộng bên trên xuống bên dưới theo những đường rãnh đã được xẻ trước, khi các thửa ruộng đã đầy nước, người dân bắt đầu tổ chức cày ải, gieo mạ và cấy lúa cho một vụ mới.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải từ lâu đã trở thành một trong những điểm nhấn của tuyến du lịch Tây Bắc. Nét đẹp đặc sắc của văn hóa vùng cao được thể hiện một cách sinh động và thần kỳ qua những thửa ruộng bậc thang độc đáo, đang ngày càng hấp dẫn giới nhiếp ảnh cùng khách du lịch cả trong và ngoài nước. Từ phương thức canh tác độc đáo, những người dân tộc Mông đã biến “làng cây khô” thành khu đồi ruộng tràn đầy sức sống, từng bậc ruộng tiếp ruộng như muốn thể hiện ý chí của con người, vươn tới bầu trời cao…

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *