Ủy ban Thương mại EU thông qua Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam – EVFTA

TTO – Ngày 21-1, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA).

Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh (bìa phải) và bà Cecilia Malmström Cao ủy về thương mại của EU tại lễ ký kết Hiệp định thương mại đầu tư (EVFTA) Ảnh: Nguyễn Khánh

Sáng 21-1 (giờ Bỉ, buổi chiều theo giờ Việt Nam), INTA họp tại Brussels, Bỉ để bỏ phiếu khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA).

Kết quả, INTA đã thông qua EVFTA với tỉ lệ phiếu 29/6/5 (29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng).

EVFTA được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xoá trong giai đoạn 10 năm.

Ngoài ra, EU sẽ giảm hơn 70% thuế quan đối với hàng hoá Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xoá thuế trong 7 năm tiếp theo.

Để EU có thể thông qua EVFTA, Việt Nam phải tham gia thêm 3 công ước của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động.

Tiếp theo, Nghị viện Châu Âu (EP) sẽ bỏ phiếu về EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) tại phiên họp diễn ra vào tháng 2 ở Strasbourg, Pháp. Nếu thông qua, hiệp định thương mại sẽ chính thức có hiệu lực. Riêng IPA thì sẽ mất thời gian lâu hơn vì còn phải chờ từng nước trong EU thông qua.

Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore, với thương mại hàng hóa trị giá 47,6 tỷ euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỷ euro mỗi năm, theo số liệu của Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam.

Xuất khẩu của EU sang Việt Nam (thiết bị máy móc và thiết bị vận tải, mặt hàng hóa chất và sản phẩm nông nghiệp) tăng 5-7% mỗi năm, tuy nhiên thâm hụt thương mại của EU với Việt Nam là 27 tỉ euro trong năm 2018. EU nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam các thiết bị viễn thông, hàng may mặc và thực phẩm.

Theo Tuổi trẻ

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *